Theo daidoanket.vn - 10/06/2011
EVN lại đòi tăng giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây lại rậm rịch đề xuất tăng giá bán điện. Việc tăng giá điện có lẽ chẳng tránh khỏi nhưng vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất hiện nay khi mà điện cứ tăng giá còn chất lượng phục vụ của ngành điện lại không tương xứng với những gì mà ngành này đòi hỏi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây lại rậm rịch đề xuất tăng giá bán điện. Một loạt những lý do ngành này đưa ra như thiếu vốn nên các dự án điện chậm tiến độ, những khoản lỗ của năm 2010 chưa được hạch toán...

Tăng giá để bù lỗ

Theo lý giải của Phó Tổng giám đốc EVN – ông Dương Quang Thành, khó khăn lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay là việc vay vốn cho các dự án trọng điểm đang triển khai của ngành điện. Thiếu vốn khiến nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ. Cụ thể, dự án thủy điện Lai Châu thiếu vốn thanh toán cho nhà thầu; dự án Duyên Hải 2 do không thu xếp được 15% vốn đối ứng nên vẫn chưa được giải ngân. Ngoài ra, một số dự án được Trung Quốc tài trợ vốn cũng bị đàm phán lại. Rồi còn cả khoản lỗ của năm 2010... do vậy, vị đại diện EVN đề xuất cần nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá điện theo thị trường. Nói cho rõ hơn, ý định của EVN là cần tăng giá điện. Giá điện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường từ ngày 1-6-2011. Theo đó, trong 1 năm, EVN có thể được đề xuất điều chỉnh giá điện 4 lần (cách 3 tháng cho mỗi lần điều chỉnh).

Việc đề xuất tăng giá điện của EVN, theo các chuyên gia, sớm muộn cũng sẽ được đưa ra. Dù trước đó không lâu, một vị lãnh đạo cũng thuộc EVN - ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, giá điện chưa thể tăng từ 1-6 bởi tình hình kinh tế còn khó khăn, dù ngành điện có lỗ nhưng vẫn sẽ chịu đựng. Do vậy, giá điện chưa thể tăng. Tuy vậy, nghe những lập luận và đề đạt của ông Dương Quang Thành đưa ra ở trên, có thể thấy, những điều mà EVN nói là “chịu đựng”, “chưa thể tăng giá” phải chăng cũng chỉ để... xoa dịu dư luận(?).

Lợi nhất vẫn là EVN

Chỉ lấy ví dụ những hành xử của ngành điện trong hai tháng gần đây, mới thấy dù giá điện đã tăng, dù ngành này đã hứa nhiều nhưng chất lượng điện phục vụ đến với người dân thì còn xa mới theo được những lời hứa đó.

Trong hai tháng qua, dù cả EVN và Bộ Công thương đã hứa hẹn là sẽ không tiết giảm điện nhưng nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn bị cắt điện. Đặc biệt ở Hà Nội, Công ty Điện lực Hà Nội đã từng ra thông điệp “Không cắt điện nếu nhiệt độ trên 35 độ C”, song đúng trong những đợt nóng cao độ nhất của hồi đầu tháng 5 và 6 (nhiệt độ trên 36 độ C), nhiều nơi ở Hà Nội đã bị cắt điện mà không hề được báo trước. Một số trường hợp bị “nhà đèn” cắt điện không báo trước đã được báo chí đưa ra như ngày chủ nhật (5-6), tại khu Hà Trì, phường Hà Cầu, quận Hà Đông; đêm 8-6, khu vực phố Chính Kinh (Nhân Chính, Thanh Xuân; hồi tháng 5, đường Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy)... Đây chỉ là một vài trường hợp cho thấy ngành điện “nói không giữ lời”.

Cắt điện không báo trước - lâu nay như trở thành bản tính của “nhà đèn” – ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhưng chưa bao giờ thấy “nhà đèn” lên tiếng xin lỗi dân.

Còn một điều đáng trách hơn, đó là điện đã tăng giá từ 1-3, song người dân, đặc biệt là những người thuê trọ vẫn tiếp tục phải trả giá điện cao gấp nhiều lần giá điện của nhà nước mà không có giải pháp gì có thể ngăn chặn.

Tăng giá điện - có lẽ chẳng tránh khỏi nhưng vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất hiện nay khi mà điện cứ tăng giá còn chất lượng phục vụ của ngành điện lại không tương xứng với những gì mà ngành này đòi hỏi. Và nói như giám đốc một doanh nghiệp, có thể thấy cơ chế giá điện theo Quyết định 24 dường như chỉ có lợi cho EVN. Còn quyền lợi của các nhà đầu tư khác thì bỏ ngỏ.