Theo icon.evn.com.vn - 07/06/2011
Truyền tải điện Đăk Lăk: Nhiều giải pháp tryuền tải điện an toàn và hiệu quả

Mặc dù rất muốn nhưng cuối cùng tôi phải từ bỏ chuyến đi kiểm tra lưới điện cùng các anh Truyền tải điện Đăk Lăk vì không đủ can đảm lặn lội hàng chục cây số trong rừng khuya từ 2h-4h30 để phát hiện những điểm phóng điện trên đường dây. Tôi hỏi sao không đi ban ngày, các anh giải thích: phải đi vào gần sáng vì lúc đó sương muối xuống nhiều dễ gây hiện tượng phóng điện qua sứ, việc soi phát nhiệt để phát hiện sự cố mới có hiệu quả.

Nhọc nhằn thợ đường dây

Anh Võ Duy Khánh, trưởng Truyền tải điện Đăk Lăk cho biết: Truyền tải điện Đăk Lăk có 144 CNVC LĐ, làm nhiệm vụ quản lý vận hành hơn 612 km đường dây cao thế 220 kV - 500 kV, một trạm biến áp 220 kV với dung lượng 213 MVA.

Các tuyến dây này không chỉ làm nhiệm vụ truyền tải điện cho khu vực Tây Nguyên mà còn là huyết mạch quan trọng của lưới điện quốc gia. Hầu hết các tuyến đường dây đều đi qua nhiều địa hình phức tạp như rừng núi, sông suối, nông lâm trường nên việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tài sản của công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Dọc theo tuyến đường dây là nơi sinh sống của bà con các dân tộc sống du canh du cư. Vì vậy, tình trạng vi phạm hành lang an toàn, đốt nương rẫy gây cháy rừng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn cho đường dây. Đặc biệt, mùa khô, nhiều đường dây xuất hiện tình trạng đầy tải và quá tải, nắng nóng và gió bụi, sương muối, sương mù đã khiến bụi đỏ bazan bám dày vào trục sứ, làm bẩn rất nhanh các chuỗi sứ cách điện. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy cơ phóng điện qua sứ, ảnh hưởng đến an toàn của cả hệ thống truyền tải.

Nhiệm vụ của các anh là phải chủ động kiểm tra soi phát nhiệt tất cả các đường dây. Việc kiểm tra phải thực hiện vào nửa đêm về sáng, là lúc sương xuống nhiều, dễ phát hiện những điểm bị phóng điện, khi đó các anh ghi chép hiện tượng, đánh dấu để ban ngày tổ chức sửa chữa khắc phục, xử lý. Mùa khô đã vậy, mùa mưa lại càng vất vả, cây cối mọc lên rất nhanh ảnh hưởng đến hành lang tuyến, phát tuyến chưa hết lượt phía sau cây đã mọc lên như cũ. Theo anh Khánh, vất vả không ngại, rắn rết tránh được nhưng ngại nhất là mùa mưa vắt bò ra như trấu, rất nhiều mẹo được áp dụng cũng không thể tránh được hết. Về nhà cởi quần áo là có mấy con vắt no tròn lăn ra đất. Rồi những trận lũ gây xói lở móng cột, kẻ gian tháo trộm thanh giằng, tiếp địa cột, cách điện đường dây bị vỡ. Đó là chưa kể những khó khăn về giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến để đảm bảo tiến độ thi công, giải quyết được mâu thuẫn giữa nguồn và tuyến; vấn đề vi phạm hành lang tuyến của người dân, vấn đề điện từ trường…

Bảo vệ đường dây: mọi người cùng vào cuộc

Với nghề truyền tải, dù cố gắng đến đâu nhưng chỉ cần để xảy ra sự cố khiến dòng điện không lưu thông trong 1 vài phút cũng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Để làm tròn nhiệm vụ của mình, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Truyền tải điện Đăk Lăk còn thực hiện giải pháp đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện xã hội hóa bảo vệ đường dây. Cứ vào đầu mùa khô, các đơn vị lại cử người về tận các thôn bản tuyên truyền vận động nhân dân không đốt rẫy gần đường dây điện, không dùng súng cao su, ná, súng hơi bắn vào sứ cách điện, không xây dựng các công trình, trồng cây trong hành lang tuyến dây. Cùng với việc phát tờ rơi, các anh còn nhờ già làng trưởng bản tổ chức bà con tập trung để nghe tuyên truyền, giải thích. Giúp bà con hiểu mỗi khi sự cố sạt lở cột móng có thể làm tê liệt toàn hệ thống điện, thời gian chờ sửa chữa kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, ngoài tổn hại kinh tế còn có thể gây tai nạn cho con người.

Anh Khánh chia sẻ, muốn xuống với bà con, trước hết phải biết “phát sóng ngắn” - tức là biết nói tiếng dân tộc, hiểu phong tục tập quán của bà con thì việc tuyên truyền mới hiệu quả. Khi bà con đã thông hiểu thì sẵn sàng giúp đỡ hết mình.

Hiện nay, Truyền tải điện Đăk Lăk đã phát triển được 150 cộng tác viên tại các thôn buôn nhằm góp phần phát hiện các bất thường nhanh nhất trên lưới điện để báo cho đơn vị xử lý. Ký được hơn 300 bản cam kết với các đơn vị lâm nghiệp, nhân dân gần tuyến dây đi qua không đốt rẫy, không xâm hại làm ảnh hưởng tới sự an toàn của lưới điện quốc gia. Nhờ đó, những sự cố liên quan đến đường dây như: sét đánh, sứ vỡ, sạt lở chân móng cột, tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy giảm hẳm. Bên cạnh đó, các đơn vị còn làm tốt công tác chuẩn bị nguồn vật tư dự phòng, nhất là các dụng cụ chằng néo cột (dây néo, cọc, gỗ hố thế, tăng đơ…), trang bị thi công, xe máy, phao xuồng cứu sinh để sẵn sàng huy động khi cần thiết. Các đơn vị bố trí trực ban 24/24 giờ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho công tác chống bão, bố trí nhân lực đi kiểm tra trên các tuyến đường dây và trạm, kịp thời phát hiện những cây cao có khả năng gãy đổ, chằng néo các cây cao, đắp và kè lại những móng cột có nguy cơ bị xói lở, khơi thông những nguồn lạch, khe suối để đảm bảo việc thoát nước.

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào vận hành đường dây

Mục tiêu cao nhất của Truyền tải điện Đăk Lăk là ưu tiên vận hành an toàn hệ thống lưới truyền tải, đáp ứng khả năng truyền tải điện theo yêu cầu, giảm thiểu sự cố trên đường dây trạm biến áp, góp phần quan trọng vào cung ứng điện cho đất nước...

Để thực hiện nhiệm vụ này, Truyền tải điện ĐăkLăk đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như: lắp đặt chống sét van cho các đường dây để làm giảm sự cố do sét đánh; lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) để thay thế đường dây trong thời gian sửa chữa để giảm thời gian cắt điện; công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ MBA để sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố MBA làm cho quá trình vận hành MBA 500 kV tốt hơn; công nghệ SCADA giúp tự động hoá quá trình quản lý lưới điện, kiểm tra nhiệt độ bằng thiết bị chụp ảnh nhiệt, thiết bị dùng đo nhiệt độ các mối nối, tiếp xúc đang mang điện cao thế để ngăn chặn các hư hỏng mà không phải cắt điện… Nhờ vậy, các sự cố như đứt lèo, đứt cáp quang, dây dẫn phát nhiệt, phóng điện sứ trên đường dây, các sự cố trạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đặc biệt, trước đây, để sửa chữa định kỳ, các anh phải báo cắt điện trên toàn tuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất - sinh hoạt của người dân. Hiện nay, Truyền tải điện Đăk Lăk đã thực hiện “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao” nhằm giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện. Nhờ giải pháp này mà thợ đường dây chủ động được trong việc vệ sinh cách điện nhiễm bẩn, giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống. Giải pháp này giúp cho công tác vệ sinh khi đường dây vẫn đang mang điện được thực hiện rất nhanh chóng mà vẫn đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện.