Theo icon.evn.com.vn - 03/10/2011

Dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 công suất 1320 MW dự kiến vận hành tổ máy 1 vào năm 2017. Đến nay, chủ đầu tư đang tích cực triển khai các thủ tục nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Tuy nhiên, băn khoăn nhất của chủ đầu tư là hiện nay EVN chưa thu xếp được vốn để xây dựng đường dây 500 kV Vĩnh Tân – Vân Phong. Như vậy, nếu đường truyền tải không vào kịp thì dù nhà máy có về đích đúng hẹn thì cũng trở thành vô nghĩa. Đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều dự án điện khi lưới chưa theo kịp nguồn.

Lưới chậm hơn nguồn

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, trong Quy hoạch điện (QHĐ) VI giai đoạn 2006-2010, lưới điện truyền tải chỉ đạt trên dưới 50% khối lượng quy hoạch dự kiến xây dựng. Đó cũng là nguyên nhân khiến lưới điện truyền tải quốc gia hiện nay là chưa có khả năng dự phòng. Các đường dây truyền tải 500 kV Bắc – Nam và các đường dây 220 kV nhiều khi phải vận hành trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố trên hệ thống lưới điện. Thời gian tới sẽ có hàng loạt nhà máy điện tiếp tục đi vào hoạt động nên lưới điện càng căng thẳng. Nếu tình hình không sớm được cải thiện thì nhiều đường dây truyền tải và các trạm biến áp sẽ tiếp tục vận hành trong tình trạng thường xuyên đầy tải và quá tải, nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép của tụ bù dọc. Thực tế gần đây ở Kon Tum, Lào Cai… đã xảy ra tình trạng nhiều nhà máy đã phát điện được nhưng không biết bán điện đi đâu vì chưa có lưới truyền tải. Hậu quả là doanh nghiệp “ế” điện trong khi nhiều địa phương vẫn chưa đủ điện dùng. Đặc biệt, khu vực Hà Nội cũng luôn ở trong tình trạng quá tải 15-20%, năm 2012 đang bị đe dọa thiếu điện nghiêm trọng mà lý do là vì lưới truyền tải không đáp ứng nhu cầu. Mặc dù nhiệm vụ phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn là một trong những yêu cầu quan trọng của ngành điện nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng có nguồn nhưng chưa có lưới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải, năm 2011, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) phấn đấu sản lượng truyền tải đạt 93 – 95 tỷ kWh, đến năm 2015 sẽ đạt 160 – 180 tỷ kWh (tăng gấp đôi so với năm 2010). Cùng với việc đầu tư đồng bộ các công trình đấu nối, NPT rất chú trọng nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải tại các khu vực trọng điểm và phối hợp đấu nối lưới điện truyền tải khu vực tiểu vùng sông Mêkông để tăng cường trao đổi điện năng.

Khó nhất vẫn là chuyện vốn

Theo Quy hoạch điện VII, tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 cần khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho lưới chiếm 33,4% (khoảng 210,4 nghìn tỷ đồng). Chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015, NPT phải hoàn thành khoảng 121 dự án điện 220 kV và 500 kV với tổng vốn đầu tư trên 116 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần là 84,6 nghìn tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 31,4 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn khấu hao cơ bản của cả Tổng công ty chỉ có 26.380 tỷ đồng.

Đặc biệt, chi phí truyền tải đang là khoản thu quan trọng nhất của NPT. Thế nhưng hiện nay, định mức chi phí trong khâu truyền tải điện ở mức 77,51 đồng/kWh là quá thấp, không đủ để NPT bù đắp chi phí quản lý vận hành, chưa tính đến việc có lãi để tái đầu tư. Năm 2011 cũng là năm thứ ba liên tiếp, NPT không có đủ vốn đối ứng cần thiết tối thiểu là 15% cho đầu tư phát triển. Các hợp đồng vay vốn vay ODA hay các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... đang gặp khó khăn. Việc vay vốn thương mại trong thời điểm này càng không dễ dàng vì mức lãi suất vay 19% - 22%/năm là quá sức chịu đựng của các đơn vị thi công.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, NPT đang đề nghị với EVN cho vay lại các khoản vay ODA với lãi suất bằng lãi suất của nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam vay. Đồng thời tạo điều kiện cho NPT được làm việc với các cơ quan chức năng để thống nhất lộ trình tới năm 2015 đảm bảo các điều kiện vay vốn như, tỷ lệ đầu tư 25%, tỷ lệ thanh toán nợ 1,5 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu 70/30. Đề nghị các Ngân hàng thương mại cho NPT vay vượt 15% vốn tự có để bảo đảm vốn đầu tư. NPT cũng đề nghị được miễn thuế sử dụng đất khi xây dựng các công trình lưới điện truyền tải, đồng thời được phép điều chuyển chủ đầu tư các dự án vay vốn ODA từ EVN sang cho NPT. Đề nghị các cơ quan chức năng và các địa phương có công trình lưới điện đi qua cần nỗ lực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc thi công công trình, đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện truyền tải quốc gia. Đặc biệt, NPT đề nghị được rà soát lại định mức chi phí trong khâu truyền tải điện hợp lý hơn để đảm bảo cân đối thu chi trong truyền tải.

Cần sự đồng thuận kèm theo chế tài

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Quy hoạch điện VII là phát triển lưới điện truyền tải phải đồng bộ với các nhà máy điện; Lưới truyền tải 220 kV và 500 kV phải đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm huy động thuận lợi các nguồn điện trong mùa mưa, mùa khô và huy động các nguồn điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện; Đường dây truyền tải điện phải có dự phòng; Từng bước hiện đại hóa lưới điện, cải tạo, nâng cấp các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và tự động hóa của lưới điện; Lưới điện truyền tải phải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực…

Để đảm bảo các yêu cầu trên, Quy hoạch điện VII cũng đã đề ra các giải pháp về tài chính như: Từng bước thực hiện các giải pháp tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện; Phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để tự huy động vốn; Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Quy hoạch cũng yêu cầu các Bộ ngành phối hợp chặt chẽ, các địa phương bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất cho các công trình nguồn điện, lưới điện truyền tải được duyệt trong quy hoạch này và các công trình lưới điện phân phối được duyệt trong các quy hoạch phát triển điện lực địa phương. Đồng thời, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện đáp ứng tiến độ được duyệt. Chủ trương rất rõ ràng cụ thể, tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này chỉ kêu gọi sự phối hợp đồng thuận thôi chưa đủ mà Chính phủ cần có chế tài chặt chẽ cùng sự ràng buộc trong việc phân định trách nhiệm giữa các bộ ngành và các địa phương.