Theo icon.evn.com.vn - 20/09/2011

Đã hơn 2 tháng kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm đi vào vận hành (1/7), bên cạnh những kết quả khả quan, còn nhiều vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là quy định về giá trần chào bán điện để khuyến khích hơn nữa DN tham gia vào thị trường điện.

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP nhiệt điện Phả Lại đã chia sẻ như vậy với phóng viên bên lề Hội nghị đánh giá công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Thưa ông, sau hơn 2 tháng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại đã đạt được những kết quả gì?

Cùng với 45 nhà máy khác, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại đã bắt đầu tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Sau hơn 2 tháng “làm quen” với những hình thức rất khác biệt của thị trường phát điện cạnh tranh so với thị trường truyền thống trước đây như xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, chào giá, tính đến nay, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại gặp khá nhiều khó khăn cũng như thuận lợi. Thuận lợi ở chỗ Công ty CP nhiệt điện Phả Lại có đặc điểm là nhà máy nhiệt điện chạy than, đã vận hành tương đối lâu rồi cho nên đã có nhiều kinh nghiệm, tình hình sản xuất tương đối ổn định, chi phí cũng không có nhiều biến đổi nên khi tham gia thị trường, việc chào giá cũng tương đối ổn định. Bên cạnh đó, hiện nay, do nhu cầu điện còn thiếu nên việc chào giá của các DN còn tương đối thuận lợi bởi phải huy động rất nhiều nguồn để tham gia thị trường.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc tham gia thị trường với các nhà máy điện khó hơn so với thị trường truyền thống trước đây. Nguyên nhân chính cũng là do thị trường phát điện cạnh tranh còn quá mới mẻ đối với DN, cho nên dù là nguồn còn đang thiếu nhưng các DN cũng phải tính toán làm sao để đưa ra được một mức giá cạnh tranh nhất để có thể tham gia thị trường mà vẫn đảm bảo có lãi. Trong khi đó, khoảng cách giữa giá chào thấp nhất và cao nhất hiện nay vẫn còn quá sát, gây khó khăn cho DN trong việc chào giá. Bởi nếu mức giá đưa ra thấp quá thì DN không có lãi. Mức giá đưa ra cao quá thì không được huy động, huy động sau hoặc được huy động ít hơn, điện làm ra không được tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, đồng thời gây hỏng hóc cho thiết bị. Đây là điều rất nguy hiểm cho DN.

Hiện trần giá bán điện đang ở mức 1.400 đồng/KWh - cao hơn cả mức giá bán điện bình quân nhưng vẫn gây khó cho DN khi chào giá sao, thưa ông?

Đúng là giá trần hiện nay là 1.400 đồng/KWh. Tuy nhiên, không phải lúc nào DN cũng có thể chào đến mức giá ấy. Thực tế cho thấy, từ thời điểm 1/7 đến ngày 14/9/2011, theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, chỉ có rất ít thời điểm giá điện có thể đạt đến mức trần đó, phần nhiều là ở mức giá thấp hơn, thậm chí có thời điểm giá điện được chào ở mức 0 đồng/KWh. Giờ (dài) x giá thấp (nhiều) + giờ (ngắn) x giá cao (ít), chia trung bình rồi mới ra được giá bán điện bình quân. Giá bán điện bình quân hiện vẫn ở mức thấp, chỉ đáp ứng được chi phí sản xuất điện chứ chưa hấp dẫn để thu hút DN tham gia thị trường. Thực tế cho thấy, giá điện trung bình tháng 7, giờ thấp điểm là 381 đồng/KWh, cao điểm mới đạt 615 đồng/KWh, còn trung bình là 538 đồng/KWh. Đây là mức giá quá xa so với mức 1.400 đồng/KWh của giá trần.

Bên cạnh đó, thủy điện nước ta hiện nay vẫn chiếm đa số. Do chí phí đầu vào thấp nên giá điện của thủy điện thấp hơn giá các nguồn khác như điện dầu, điện than nên được ưu tiên huy động nhiều hơn. Đây cũng là khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường điện khi thời điểm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đang đến rất gần (1/1/2012)?

Theo tôi, cái quan trọng nhất vẫn là nới lỏng hơn giá trần mua bán điện. Bởi giá trần để ở mức thấp quá sẽ khó cho DN vì nếu chào giá thấp quá thì giá không đủ bù chi phí than, điện, dầu - giá của các chi phí cho phát điện, cao quá thì không được huy động. Nên nếu để giá trần cao lên, chênh lệch giá rộng hơn thì DN mới thấy dễ chào giá, mới khuyến khích DN tham gia thị trường được. Chứ nếu để chênh lệch giá gần quá, DN sẽ thấy khó chào giá và khó tham gia thị trường. Giống như để một khe cửa quá hẹp, không phải DN nào cũng có đủ khả năng để “lách” qua.

Đặc biệt, hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề đang được đặt lên hàng đầu. Cho nên, những quy định về giá trần cũng phải đảm bảo làm sao để đáp ứng đủ chi phí, đảm bảo cho nhà máy vận hành có lãi thì mới khuyến khích DN tham gia thị trường và đáp ứng được nhu cầu điện./.

Xin cảm ơn ông!

Theo Công văn số 482/ĐTĐL-TTĐL ngày 29/7/2011, Công văn số 488/ĐTĐL-TTĐL ngày 2/8/2011 về việc đơn giản hóa nội dung quy định Thông tư 18/2010/TT-BCT và Quyết định 64/QĐ-ĐTĐL, từ ngày 1/8/2011, giá trần thị trường được áp dụng là 1.400 đồng/KWh, giá sàn áp dụng cho thủy điện là 0 đồng/KWh.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong tháng 7, giá điện trung bình giờ thấp điểm là 381 đồng/KWh, giờ bình thường là 538 đồng/KWh, giờ cao điểm là 615 đồng/KWh; trong tháng 8, giá điện trung bình giờ thấp điểm là 494 đồng/KWh, giờ bình thường là 723 đồng/KWh, giờ cao điểm là 798 đồng/KWh; tháng 9 (tính đến ngày 14/9), giá điện giờ thấp điểm là 595 đồng/KWh, giờ bình thường là 757 đồng/KWh, giờ cao điểm là 818 đồng/KWh.

Hiện có 45/69 nhà máy điện tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm.