Theo baocongthuong.com.vn - 08/06/2011
Đức: “Khai tử” điện hạt nhân

Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Roettgen vừa tuyên bố, tới năm 2022, Đức sẽ ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân. Lộ trình “khai tử” điện hạt nhân được vạch ra như sau: Hiện tại, Đức có 17 lò phản ứng hạt nhân và đã cho ngừng hoạt động 7 lò cũ nhất; Nhà máy hạt nhân Kruemmel cũng không được phép hoạt động trở lại; 6 nhà máy hạt nhân nữa sẽ ngừng hoạt động vào năm 2021 và 3 nhà máy hạt nhân mới được xây dựng sẽ bị "khai tử" vào năm 2022.

CôngThương - Các quan chức trong ngành năng lượng của Đức cho rằng, việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạ tầng cơ sở ngành công nghiệp nước này. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi, Chính phủ Đức vẫn quyết tâm xử lý mạnh tay và cho đóng cửa các nhà máy. Các nước ở châu Âu đang xem lại các dự án điện hạt nhân và Đức là nước tiên phong để Anh, Thụy Sĩ và Phần Lan có quyết tâm đi đến những quyết định tương tự.

Với những hiểm họa từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản từ hồi tháng 3 vừa qua, người dân Đức đã gia tăng áp lực lên Chính phủ, yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng mọi kế hoạch về phát triển hạt nhân, cũng như đóng cửa vĩnh viễn những nhà máy hạt nhân đã lỗi thời. Thủ tướng Merkel đã thành lập ủy ban đánh giá, kiểm tra các nhà máy hạt nhân tại nước này sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima số I của Nhật Bản. Tuy nhiên, Đức cũng đồng thời phải đối mặt với việc tìm nguồn năng lượng thay thế, để bù vào 22% sản lượng điện năng được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân hiện nay.

Thủ tướng Merkel khẳng định: Đức không chỉ hy vọng từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022, mà còn cắt giảm 40% lượng khí thải CO2 và tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh từ 17% hiện nay lên 35% vào năm 2022. Đức sẽ chỉ ra cho thế giới thấy làm thế nào để một nền kinh tế phát triển có thể thực hiện việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng hiệu quả và tái tạo mà vẫn có được tất cả các cơ hội về xuất khẩu, các công nghệ mới và việc làm. Đồng thời đảm bảo rằng, Đức sẽ khai thác nhiều nguồn năng lượng mới thay thế cho nguồn năng lượng hạt nhân, vốn hiện chiếm 22% tổng sản lượng điện của nước họ.

Theo Shaun Burnie - chuyên gia về môi trường Đức, nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, năng lượng tái tạo có thể cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nhân loại vào năm 2050. Hiện nước Đức đang đi đầu trong việc nghiên cứu năng lượng tái tạo. Thông điệp cho các nhà công nghiệp nước này là, không nên lấy điện hạt nhân hay nhiệt điện chạy than để làm cơ sở cho chính sách năng lượng mà phải lấy năng lượng tái tạo.