Theo icon.evn.com.vn - 04/06/2011
Không phát triển điện gió bằng mọi giá

Theo Vụ trưởng Vụ năng lượng Phạm Mạnh Thắng, nếu vội vàng phát triển điện gió bằng mọi giá thì áp lực tăng giá điện lại càng cao.

Sáng 3/6, tại hội thảo Hướng dẫn quy trình lập quy hoạch và thông tin đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ năng lượng - Bộ Công thương Phạm Mạnh Thắng nói, việc đầu tư phát triển điện gió là cần thiết nhưng không vội vàng phát triển bằng mọi giá, bởi như vậy áp lực tăng giá điện lại càng cao.

Giá thành phát điện của điện gió khoảng 7-12 cent, khi lãi suất vay tăng thì giá thành phát điện có thể đến 14 cent/kWh. Như vậy, so với thủy điện, giá năng lượng tái tạo, năng lượng gió là rất cao.

Phải cần một vài năm nữa, khi giá điện đạt được mức giá thị trường và giá bán than không thấp hơn giá sản xuất thì điện gió sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Theo anh Đặng Trọng Hiếu, giám đốc CTCP Tư vấn điện gió Việt Nam, điện gió hiện tại đang gặp một số trở ngại nhất định. Thứ nhất là chưa có quy hoạch. Thứ hai là xã hội chưa nhận thức đầy đủ về các tác động tích cực, quan trọng của điện gió. Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về mức giá cạnh tranh của các nguồn năng lượng điện.

Chờ Thủ tướng phê duyệt cơ chế hỗ trợ điện gió nối lưới

Bản dự thảo quyết định về quản lý các dự án điện gió tại Việt Nam vừa được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo trọng tâm đề cập đến các cơ chế hỗ trợ cho điện gió lưới.

Theo Tổng sơ đồ Quy hoạch điện do Bộ Công thương thực hiện, tổng công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo dự kiến tăng từ 2,5% tổng công suất lắp đặt năm 2008 đến 3% vào năm 2010, 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Theo ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có tiềm năng gió rất lớn với công suất ước tính lên đến 513.360 MW nhưng cho đến tháng 8/2009, cả nước mới chỉ có 5 tua-bin gió được lắp đặt phục vụ cho mục đích nối điện lưới quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.

Một số dự án điện gió với công suất 6-150MW đang ở giai đoạn lập kế hoạch nhưng do thiếu một khung chính sách phù hợp đã làm cho việc xây dựng các trại gió có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn.

Hiện một số nhà phát triển điện gió như GE, Gamesa, Nordex, Fuhrlaender… đã có mặt tại Việt Nam. GE đã có nhà máy tua-bin sản xuất với tổng vốn đầu tư 61 triệu USD ở Hải Phòng. Fuhrlaender, nhà cung cấp tua-bin cho trang trại gió đầu tiên ở Việt Nam cũng cam kết mở nhà máy sản xuất cánh tua-bin và lắp ráp tua-bin ở Bình Thuận.