Theo icon.evn.com.vn - 19/05/2011
Khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong lĩnh vực truyền tải điện

Những khó khăn chủ quan và khách quan trong thời gian gần đây đã làm giảm năng lực hoạt động của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT). Vậy đâu là nguyên nhân và Tổng công ty đã có giải pháp gì để tháo gỡ, khắc phục? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường – Phó Tổng giám đốc NPT xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông nói rõ hơn về thực trạng và những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải do NPT quản lý?

Ông Nguyễn Đức Cường: Trong những năm qua, lưới điện truyền tải quốc gia đã cơ bản đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất và điện năng từ các nhà máy điện cho các phụ tải, đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đây là thành quả và sự cố gắng không mệt mỏi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tập thể CBCNV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Tính đến nay, NPT đang quản lý vận hành 16 trạm biến áp 500 kV: dung lượng 12.000 MVA; 4.446 km đường dây 500 kV; 62 TBA 220 kV: dung lượng 21.227 MVA; 9.939 km đường dây 220 kV; dung lượng MBA 110 kV: 2.792 MVA.

Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, tình hình tiêu thụ điện năng tiếp tục tăng với tốc độ cao, bên cạnh đó giá mua điện từ các nhà máy điện bên ngoài ngày càng đắt, giá bán điện cho khách hàng không được điều chỉnh kịp theo cơ chế thị trường. Tình hình cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô rất căng thẳng do biến đổi của thời tiết. Vì vậy, hệ thống truyền tải điện 500 kV luôn vận hành căng thẳng, các trạm biến áp thường xuyên đầy tải và quá tải, trong đó máy AT2 Phú Lâm quá tải tới 25,2%; công suất truyền tải trên lưới điện 500 kV lớn, nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép của tụ bù dọc. Lưới điện 220 kV, đặc biệt là khu vực Hà Nội cũng luôn ở trong tình trạng đầy và quá tải (có thời điểm lên tới 14%). Về điện áp, đã xuất hiện tình trạng thấp điện áp lúc cao điểm và quá điện áp về thấp điểm đêm trên lưới điện 220 kV trong phạm vi toàn quốc.

Tuy gặp khó khăn như vậy, nhưng năm 2010, NPT vẫn triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong tổ chức, điều hành, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu suất lao động nên khối lượng quản lý tăng thêm 23,5% dung lượng trạm và 7,2% đường dây so với năm 2009. Sản lượng điện truyền tải thực hiện được 82,728 tỷ kWh (vượt 0,64% kế hoạch EVN giao); tỷ lệ tổn thất điện truyền tải trên hệ thống lưới điện 500 kV – 220 kV là 3,13%. NPT cũng đã đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện trọng điểm song song với đẩy mạnh công tác chống quá tải lưới điện, trong đó đóng điện được 45 công trình lưới điện truyền tải và hoàn thành 3 công trình lưới điện 110 kV… Quý I/2011, sản lượng điện truyền tải đạt 20,866 tỷ kWh (tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2010); tỷ lệ tổn thất điện truyền tải 3 tháng đầu năm 2011 là 2,51%, giảm hơn so với cùng kỳ 2010; khởi công được 3 công trình là đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây (mạch 2); Sông Mây - Tân Định (mạch 2); Vĩnh Tân - Sông Mây; đóng điện 9 công trình đường dây và trạm 220 kV khác...

PV: Có ý kiến cho rằng do nguồn vốn hạn hẹp, vì vậy NPT chỉ tập trung đầu tư phát triển lưới điện mới, nên hệ thống lưới điện 500 kV Bắc – Nam ở một số khu vực sau hàng chục năm vận hành đã xuống cấp, có nguy cơ xảy ra sự cố?

Ông Nguyễn Đức Cường: Có thể khẳng định rằng những nhận định đó hoàn toàn không đúng và mang tính chủ quan. Nhiệm vụ chính trị của NPT hiện nay là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Trong hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia, hệ thống lưới điện 500 kV giữ một vai trò đặc biệt, là xương sống cho hệ thống điện Việt Nam. Cùng với hệ thống lưới điện 220 kV, lưới điện 500 kV đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, điều hoà và hỗ trợ điện năng từ các miền của đất nước.

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, NPT luôn đảm bảo và thực hiện tốt song song hai nhiệm vụ chính: Một là đảm bảo vận hành an toàn và cung cấp điện ổn định, từng bước nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện 500 kV Bắc – Nam. Hai là đầu tư xây dựng mới các công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp 220 kV trở lên theo đúng các quy hoạch điện Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hệ thống lưới điện truyền tải 500 kV Bắc – Nam đã trải qua hơn 17 năm vận hành, nhu cầu phụ tải của các khu vực hàng năm luôn tăng cao, nhiều thời điểm đường dây 500 kV Bắc - Nam đã bị quá tải, nên độ tin cậy trong vận hành hệ thống bị suy giảm. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục, cùng với việc đầu tư nâng cấp thêm các đường dây và trạm 500 kV mới, NPT còn từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống như: thay các máy biến áp 500 kV không đảm bảo vận hành tại các trạm 500kV Hoà Bình, Đà Nẵng, Phú Lâm…; thay máy biến áp 500 kV nâng công suất tải của các trạm biến áp 500 kV Pleiku, Phú Lâm…; thay sứ cách điện 500 kV thủy tinh bằng sứ cách điện composite trên các cung đoạn đường dây 500 kV trọng yếu; nâng cấp tụ bù dọc 500 kV từ 1.000A lên 2.000A cho các cung đoạn đường dây 500 kV Đã Nẵng – Hà Tĩnh, Pleiku – Phú Lâm… Ngoài ra, NPT đã tiếp nhận chuyển giao, nắm bắt, làm chủ thiết bị công nghệ mới đòi hỏi chất xám và kỹ thuật cao như: Sửa chữa đường dây đang mang điện có cấp điện áp 220 – 500 kV, vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao đến cấp 500 kV cho thiết bị đang mang điện, sửa chữa đường dây 500 kV bằng máy bay trực thăng; bảo dưỡng máy biến áp 500 kV; xử lý các mối nối tiếp xúc bằng công nghệ hàn cadweld; sử dụng công nghệ kiểm tra phóng điện bề mặt chuỗi sứ bằng thiết bị ghi hình vầng quang corona camera; tự sửa chữa sự cố máy biến áp, cũng như chủ động chế tạo các thiết bị, công nghệ và vật tư chất lượng cao để phục vụ thay thế, sửa chữa công trình...

Qua những dẫn chứng cụ thể như trên chứng tỏ NPT luôn tập trung cho cả hai mặt vận hành và đầu tư mới. Do đó, hệ thống lưới điện 500 kV của NPT luôn luôn đảm bảo vận hành an toàn với suất sự cố nhỏ nhất, đặc biệt không có sự cố mất điện vĩnh cửu do nguyên nhân chủ quan gây ra.

PV: Để quản lý vận hành và cung cấp điện an toàn trong mùa khô, cũng như trong mùa mưa bão năm 2011, Tổng Công ty có giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Để hoàn thành kế hoạch được giao, Tổng công ty đã đề ra các nhóm giải pháp lớn, đó là: Phải đảm bảo vận hành lưới điện an toàn ổn định, tập trung vào công tác tăng cường quản lý vận hành, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn hợp lý, giảm thiểu sự cố chủ quan, chuẩn bị tốt vật tư thiết bị dự phòng và đẩy mạnh công tác an toàn; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, đảm bảo hoàn thành dự án đúng thời gian, hiệu quả và tiết kiệm; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư để điều hành và thu xếp vốn phù hợp; tập trung điều hành để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; đổi mới công tác đầu tư đồng bộ với thu xếp vốn; Tích cực chuẩn bị các hồ sơ để sẵn sàng vay vốn ODA, mở rộng các kênh huy động vốn như thực hiện phương thức tín dụng nhà cấp hàng, ECA; Nâng cao hiệu quả điều hành, phục vụ đơn vị đáp ứng yêu cầu về thời gian, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện tổ chức quản lý, tăng năng suất lao động...

Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo NPT đã trực tiếp đi kiểm tra các dự án trọng điểm, chủ động giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, tăng cường kiểm tra chặt chẽ, chỉ đạo sát sao, không khoán trắng cho đơn vị. Các Ban QLDA được chỉ đạo giao trách nhiệm chủ nhiệm quản lý dự án từng công trình đến cá nhân cụ thể, đồng thời tổ chức họp, xem xét dứt điểm về vốn cho từng Ban QLDA cũng như các công trình trong kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, NPT và các đơn vị đã định hướng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cung cấp điện an toàn trong mùa khô cũng như mùa mưa bão năm 2011 với 5 giải phát cơ bản như: Tổ chức nghiêm túc các quy định về việc giám sát thi công, thí nghiệm, nghiệm thu đối với các công trình điện được xây dựng mới; Rà soát, củng cố Ban chỉ đạo PCLB các cấp, có phương án cụ thể cho PCLB, tổ chức diễn tập PCLB các cấp; Hạn chế hiện tượng quá điện áp do dao động lưới, quá điện áp khí quyển, quá tải, quá dòng điện ngắn mạch trong vận hành thiết bị lưới điện truyền tải; Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện các tồn tại và lên kế hoạch sửa chữa ngay; Đào tạo chính quy, đào tạo nâng cao cho các lực lượng làm công tác thí nghiệm, sửa chữa và vận hành, bổ sung thiết bị hiện còn thiếu cho các đơn vị; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các qui trình đã có và còn thiếu liên quan đến công tác QLVH.

PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cấp, các ngành và địa phương để giúp NPT quản lý lưới điện truyền tải an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước?

Ông Nguyễn Đức Cường: Bên cạnh những khó khăn cần được các cấp, các ngành tháo gỡ, như nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp, cải tạo và bổ sung phương tiện, thiết bị, máy móc dự phòng cho sản xuất, cũng như phục vụ làm việc của CBCNV; vấn đề liên quan đến lực lượng, định biên, đào tạo để có chương trình đầu tư và quản lý vận hành hiệu quả, phù hợp với điều kiện chung của đất nước cũng như điều kiện về đầu tư, tài chính và vận hành của NPT đối với hệ thống trạm không người trực... thì một vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến tài chính, doanh thu, cân đối vốn đầu tư và bảo đảm đời sống người lao động, do đó, NPT kiến nghị Lãnh đạo EVN xem xét giải quyết sớm vấn đề vốn đối ứng, vốn tự có cho đầu tư năm 2011; đồng thời, cho phép NPT được giãn nợ 1.300 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả trong năm 2011.

NPT cũng đề nghị Tập đoàn trình Chính phủ và các Bộ cho phép NPT giao thầu tư vấn trong nước cho các dự án đến năm 2015 (theo quy định, các dự án chỉ được thực hiện trong vòng 2-3 năm kể từ khi giao kế hoạch đầu tư), ưu tiên cho các tư vấn trực thuộc Tập đoàn; ưu tiên xem xét bố trí các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, tín dụng ưu đãi cho các dự án lưới điện truyền tải quốc gia; Đề nghị miễn thủ tục phân tích hiệu quả đối với các dự án của NPT, đồng thời cho phép NPT được vay vượt 15% vốn tự có; Cho phép NPT được áp dụng cơ chế 1195 cho các dự án lưới điện truyền tải cấp bách theo danh mục do Tập đoàn/Bộ Công Thương duyệt, được tiếp tục chỉ định thầu tư vấn trong nước cho các dự án lưới điện truyền tải; Đối với Quy hoạch lưới điện truyền tải đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các kịch bản đầu tư thực tế các dự án nguồn điện cũng như về vấn đề dòng ngắn mạch, đề nghị Tập đoàn xem xét, báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Năng lượng tính toán phương án khả thi.

Bên cạnh đó, NPT kiến nghị đối với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan Nhà nước, Bộ ngành và địa phương phối hợp trong công tác bảo vệ hệ thống lưới điện truyền tải, không cho các đơn vị thi công đổ đất san mặt bằng trong hành lang an toàn; Hỗ trợ NPT trong công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong thi công sửa chữa thiết bị, đường dây lưới điện truyền tải; Phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ đối với lưới điện truyền tải; Hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo đưa các công trình đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải vào vận hành đúng tiến độ.

PV: Xin cám ơn ông!