Theo icon.evn.com.vn - 18/05/2011
Khoảng 80% hộ nghèo đã nhận được hỗ trợ giá điện

Đó là khẳng định của ông Chu Quang Cường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ LĐTBXH trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.

Xin ông cho biết tiến độ công tác hỗ trợ giá điện đến thời điểm này?

Ông Chu Quang Cường: Ngày 23/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 268 về ban hành khung giá điện. Ngày 1/3/2011, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của phiên họp Chính phủ về việc năm 2011 sử dụng ngân sách để đảm bảo hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp thay vì theo Quyết định 268 là sử dụng nguồn thu tiền điện.

Sau khi có văn bản thông báo của Chính phủ, ngày 28/3 Bộ Tài chính hướng dẫn và tạm ứng kinh phí để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện nhiệm vụ này.

Ngày 1/4, Bộ LĐTBXH đã phân bổ kinh phí và hướng dẫn các tỉnh, địa phương thực hiện. Kết thúc hướng dẫn, cấp kinh phí và kiểm tra, chúng tôi nhận thấy công tác hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp đã được thực hiện tốt.

Theo đó, 100% các địa phương đã tổ chức và triển khai hướng dẫn chính sách này cho các quận, huyện, xã. Theo những đánh giá tổng kết của chúng tôi, 100% quận, huyện đã nhận được tiền từ trên sở, trên tỉnh thông báo về, khoảng 80%, có những tỉnh là 100% các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp đã nhận được tiền của tháng 3 và của quý II.

Thưa ông, khoảng 20% hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp còn lại chưa được tiếp cận với chính sách hỗ trợ giá điện vì nguyên nhân gì?

Ông Chu Quang Cường: Vấn đề này chủ yếu do vướng ở cấp huyện. Có những huyện do việc đăng ký tài khoản trong hệ thống kho bạc gặp vướng mắc nên khi chúng tôi chuyển tiền về, họ không nhận được, chúng tôi phải chuyển lại. Hệ thống hướng dẫn bên kho bạc vẫn còn những bất cập khiến huyện nhận tiền chậm nên huyện chưa triển khai được việc chi trả tới người nghèo.

Nguyên nhân cũng do một số hộ đi làm ăn xa, chưa về kịp nên chúng tôi chưa thể chi trả trực tiếp cho họ. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, trong tháng 5 sẽ cơ bản hoàn thành hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.

Phương thức hỗ trợ tiền được thực hiện như thế nào? Các hộ nghèo sẽ được nhận tiền trực tiếp hay trừ vào hóa đơn tiền điện mỗi tháng, thưa ông?

Ông Chu Quang Cường: Có 2 cách đối với việc thực hiện hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Thứ nhất, nếu hộ có thu nhập thấp sử dụng liên tục 3 tháng dưới 50kWh thì sẽ được thanh toán tiền điện ở khung giá đầu tiên – khung giá tiền điện trung bình trong cả năm là 1.200 đồng cho 1 kW/h. Việc này do ngành Điện lực trực tiếp hướng dẫn thực hiện và hộ nghèo đăng ký. Hiện nay, theo chúng tôi được biết việc đăng ký của các hộ nghèo cũng như triển khai thực hiện có vướng mắc vì thủ tục đăng ký, kê khai phức tạp.

Còn chính sách thứ hai là hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước 30.000 đồng/hộ/tháng triển khai thuận lợi hơn vì người nghèo được nhận tiền trực tiếp tại xã, phường. Vì vậy, hộ nghèo dễ tiếp cận với chính sách và như tôi đã đề cập ở trên là có khoảng 80%, nhiều tỉnh là 100% hộ nghèo đã nhận được hỗ trợ.

Như ông vừa nói, việc thực hiện theo cách thứ nhất thì EVN có gặp khó khăn, vậy Bộ LĐTBXH cùng chung tay với EVN như thế nào để người dân có thể được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Chính phủ?

Ông Chu Quang Cường: Ngành LĐTBXH có mạng lưới cán bộ quản lý các hộ nghèo, nếu ngay ban đầu sự phối hợp của ngành Điện không tốt thì việc nắm bắt danh sách hộ nghèo cũng có thể gặp khó khăn. Vì vậy, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với EVN trong việc cung cấp danh sách hộ nghèo, hỗ trợ tuyên truyền chính sách.

Thưa ông, việc rà soát, cập nhật số hộ nghèo thường xuyên được tiến hành như thế nào để đảm bảo không để sót đối tượng được hưởng vì số hộ nghèo có thể thay đổi do những biến cố bất thường xảy ra?

Ông Chu Quang Cường: Việc rà soát hộ nghèo đã có một quy trình mà chúng ta đã làm hàng chục năm nay. Đây không phải là công việc làm hàng tháng, hàng tuần vì việc một hộ thoát nghèo phải có một quá trình.

Bởi vậy, ít nhất là 6 tháng, thông thường là 1 năm mới tổ chức rà soát để đánh giá hộ nghèo vì quy trình rà soát đánh giá rất kỹ càng, đầy đủ nên cần phải có thời gian, thời điểm xét được quy định theo luật.

Còn những trường hợp được hỗ trợ đột xuất do gặp khó khăn như thiên tai chẳng hạn, việc hỗ trợ trong trường hợp này là chính sách cứu trợ đột xuất của Nhà nước. Ngoài ra còn có cộng đồng, người dân tham gia quyên góp, giúp đỡ. Như vậy, đối với những biến cố đột xuất, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đột xuất để giúp người gặp khó khăn.